Người giữ lửa nghề vẽ tranh truyền thần ở Thủ đô Hà Nội
Hơn 40 năm gắn bó với nghề vẽ truyền thần, nghệ nhân Vũ Chương Tạo là một trong số rất ít những người còn lại trên mảnh đất Hà thành vẫn giữ được đam mê với nghề.
Nghệ nhân Vũ Chương Tạo vẽ tranh truyền thần. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)
Từng nét vẽ của ông vẫn cứ đều đặn và thoăn thoắt, nó không chỉ đẹp mà còn toát lên tình yêu của ông đối với Nghề vẽ tranh truyền thần.
Căn nhà nhỏ lưu giữ dấu thời gian
Căn phòng chỉ rộng khoảng gần chục mét vuông trong căn nhà nhỏ ở phố Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, vừa là để tiếp khách, vừa là nơi hằng ngày ông vẽ tranh truyền thần. Nơi nghệ nhân Vũ Chương Tạo duy trì tình yêu với nghề chỉ là góc tường nhỏ dùng để gắn cố định bảng vẽ, một chiếc ghế gỗ đã lâu năm cùng với những vật liệu khá đơn sơ và giản dị.
Đã hơn nửa đời người gắn bó với nghề, mặc dù đã ở độ tuổi 73 nhưng dường như đôi bàn tay của người họa sĩ già Vũ Chương Tạo vẫn không muốn nghỉ ngơi. Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn, tỉ mỉ từng nét vẽ trong các bức tranh truyền thần.
Cùng với thời gian, căn phòng nhỏ của nghệ nhân đã dần được phủ kín bằng những bức tranh do chính tay ông vẽ. Trong số đó bao gồm cả tranh màu và tranh đen trắng, có cả những bức chân dung của người thân, của những vị khách trong và ngoài nước.
Có những bức vẽ được ông treo từ hơn chục năm về trước nhưng đến nay vẫn còn nguyên những nét đẹp tinh tế và mộc mạc của những gam màu màu đen trắng.
Ông luôn tận dụng những vật dụng vốn có trong nhà như bút lông, giẻ cũ,… để làm thành dụng cụ vẽ tranh truyền thần. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+) |
Nhìn vào dụng cụ vẽ tranh của ông Tạo, không ít người đã phải trầm trồ bởi sự thủ công và đơn sơ đến kỳ lạ. Bởi đó toàn là những vật dụng mà ông tự chế.
Ông Tạo cho hay, nguyên liệu để vẽ tranh truyền thần khá đơn giản và dễ làm. Ngày xưa, chất liệu màu đen thường được lấy từ muội đèn dầu hoặc than của miếng cao su đã bị đốt cháy. Còn ngày nay thì tiện hơn, nguyên liệu cũng dễ mua hơn mà giá thành lại không quá đắt.
Thời gian để ông hoàn thành một bức tranh truyền thần thường chỉ từ 2 giờ đến 3 giờ đồng hồ. “Truyền thần đến với tôi một cách tự nhiên, tôi cũng không được học bài bản. Tôi đi xem các anh đi trước tôi vẽ thì tôi về tôi học theo,” ông Tạo kể.
Khách của ông hiện nay chủ yếu là khách nước ngoài, khách trong nước cũng có, nhưng không nhiều. Ông Tạo cho hay, xã hội phát triển nên nhu cầu của khách cũng ngày càng tăng cao. Ngày xưa chủ yếu là vẽ tranh đen trắng, bây giờ nhiều người lại ưa chuộng tranh màu.
Hiện nay, theo nghệ nhân Vũ Tạo thì giá của một bức tranh truyền thần đen trắng dao động từ khoảng 400.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy theo kích cỡ ảnh. Ảnh màu thường sẽ đắt gấp đôi ảnh đen trắng. Nếu vẽ nhiều chân dung trong một bức ảnh thì tiền công cũng sẽ tăng theo.
Quãng thời gian thăng trầm
Nhớ lại quãng thời gian hưng thịnh nhát, ông kể, đó là giai đoạn những năm 50-60 của thế kỷ trước, đây là lúc mà nghề vẽ truyền thần thịnh hành nhất. Trong đó phải kể đến các khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường đã từng một thời lừng danh bởi những bức vẽ truyền thần đẹp đến nao lòng du khách thập phương.
Trải qua những tháng năm dài lịch sử cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn, máy ảnh kỹ thuật số… khiến cho nghề truyền thần như đang đứng trên bờ vực còn, mất.
“Ngày xưa không có máy ảnh nên còn có nhiều người tìm đến những người vẽ tranh truyền thần. Bây giờ thì công nghệ Photoshop phát triển,… chẳng còn mấy ai nhớ đến chúng tôi nữa,” ông Tạo tâm sự trong nuối tiếc.
Ông cho biết, vẽ tranh màu rất khó và đòi hỏi phải có sự tinh tế nhất định. Bản thân ông đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu về tranh màu. Nhưng dù khó đến đâu, ông cũng không bỏ cuộc.
Khi so sánh giữa tranh truyền thần với những bức ảnh Photoshop, ông tự tin chia sẻ, những bức vẽ truyền thần là riêng biệt và không thể trộn lẫn vào đâu được. Truyền thần vẫn có cái hồn và những nét đẹp tinh tế riêng, tuy nhiên cũng chỉ còn thu hút được rất ít khách hàng.
Trước đây, khi cái nghề này còn phát triển, gia đình ông có một cuộc sống khá ổn định ở khu phố cổ. Hai người con của ông cũng theo học về mỹ thuật nhưng sau này, không ai theo cái nghề mà ông đang muốn gìn giữ.
“Tôi hơi tiếc,” ông ngậm ngùi.
Cùng thời với nghệ nhân Vũ Chương Tạo hiện tại cũng chỉ còn lại nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên nay đã ngoài 80 tuổi. Nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên vừa là người thầy, vừa là người anh của ông.
Ông tâm sự: “Hiện tại tôi vẫn nhận vẽ tranh và nhận dạy cả vẽ tranh. Học sinh của tôi có đủ độ tuổi, từ các cháu nhỏ tuổi cho đến cả những người đã ngoài 40, 50 tuổi. Ai muốn học là tôi đều dạy hết, cứ học là biết vẽ ngay.”
Ông luôn có một khao khát, đó là một ngày nào đó ông có thể thành lập được một nhóm những người yêu thích và có đam mê thực sự với nghề để trao đổi, học hỏi và truyền dạy cho thế hệ sau./.
Nghệ nhân Vũ Chương Tạo vẽ một bức truyền thần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét